Tổng quan về huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Giới thiệu chung về huyện Côn Đảo

Vị trí huyện Côn Đảo ở đâu?

Côn Đảo là một huyện đảo ở phía Đông Nam của Tổ Quốc thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, huyện Côn Đảo cách thành phố Vũng Tàu 187km, cách thành phố Hồ Chí Minh 230km, cách Cần Thơ (cửa Sông Hậu) 83km.

Tổng quan về huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Vị trí huyện Côn Đảo-BRVT. Ảnh Internet

Huyện Côn đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm giữa đại dương. Diện tích tự nhiên toàn huyện khoảng 76km2, trong đó hòn đảo lớn nhất có diện tích 51,52km2 gọi là Côn Lôn hay Côn Đảo là trung tâm kinh tế – văn hóa – chính trị – xã hội của huyện. Côn Đảo từng được biết đến là nơi giam giữ và lưu đày tù nhân lớn nhất Đông Dương trước năm 1975. Ngày nay, Côn Đảo là điểm du lịch nghỉ dưỡng và tham quan với các bãi tắm và khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Côn Đảo.

Đến Côn Đảo có thể di chuyển bằng đường biển từ cảng Cát Lở – Vũng Tàu, với thời gian di chuyển là 12 giờ hoặc đường hàng không từ sân bay Tân Sơn Nhất – Tp. Hồ Chí Minh với thời gian bay là 45 phút.

Khí hậu

Khí hậu Côn Đảo mang đặc điểm á xích đạo – hải dương nóng ẩm, chia thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm là 26,9 °C. Tháng 5 oi bức, có lúc nhiệt độ lên đến 34 °C. Lượng mưa bình quân trong năm đạt 2.200 mm; mưa ít nhất vào tháng 1. Quần đảo Côn Đảo nằm ở vùng giao nhau giữa luồng hải lưu ấm từ phía nam và luồng hải lưu lạnh từ phía bắc. Nhiệt độ nước biển từ 25,7 °C đến 29,2 °C

Môi trường sống ở Côn Đảo rất trong lành, nhiệt độ bình quân khoảng 26 – 27độC mát mẻ quanh năm. Tất cả những điều kể trên là tiềm năng du lịch của Côn Đảo với các loại hình phong phú như: Du lịch tắm biển nghỉ ngơi, du lịch tham quan di tích lịch sử, du lịch sinh thái (lặn, câu cá, leo núi, tham quan rừng biển, sinh vật biển…). Hàng năm Côn Đảo đón hàng trăm nghìn lượt khách đến du lịch. Đến với Côn Đảo, du khách được nghỉ ngơi tại những cơ sở lưu trú đầy đủ tiện nghi như: khách sạn Phi Yến, Sài Gòn Tourist, nhà khách vườn Quốc gia Côn Đảo.

Dân cư

Dân số Côn Đảo tính đến năm 2014 là 8.360 người thuộc 10 khu dân cư và Côn Đảo hiện chưa có đơn vị hành chính phường, xã, chỉ có các Khu dân cư.

Dân cư trên đảo sống tập trung trong một thung lũng hình bán nguyệt ở tọa độ 8°40′57″ Bắc 106°36′10″ Đông. Thung lũng có chiều dài từ 8 đến 10 km, chiều rộng từ 2 đến 3km và có độ cao trung bình khoảng 3m so với mặt nước biển. Một mặt trông ra vịnh Đông Nam trong khi ba mặt còn lại vây quanh là núi. Khu vực này nằm ở khoảng giữa của sân bay Cỏ Ống và cảng Bến Đầm (khoảng cách ước chừng là 12km). Đây là nơi tập trung toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của quần đảo nhưng không mang danh nghĩa đơn vị hành chính thực sự vì Côn Đảo chỉ có chính quyền một cấp (là cấp huyện), không có xã hoặc thị trấn.

Giao thông

Hệ thống giao thông trên đảo: Tính đến thời điểm hiện tại, huyện đảo đã đầu tư xây dựng các dự án lớn gồm có hơn 18 công trình giao thông, hơn 15 công trình hạ tầng kỹ thuật, hơn 13 công trình cơ sở hạ tầng văn hóa – xã hội – giáo dục và hơn 2 công trình di tích lịch sử Côn Đảo. Huyện Côn Đảo cách đất liền (Bà Rịa – Vũng Tàu) khoảng 97 hải lý. Chính vì thế, việc giao thương và du lịch chủ yếu là bằng đường biển và đường hàng không.

Đường biển

Từ Cảng Cát Lỡ – Vũng Tàu, có thể đi đến Côn Đảo bằng tàu Côn Đảo 9 và Côn Đảo 10. Lịch tàu chạy được cập nhật theo tháng và không thông báo hủy chuyến (tùy thuộc vào điều kiện thời tiết). Thời gian đi từ Vũng tàu đến Côn Đảo khoảng 12 tiếng với quãng đường 97 hải lý. Vào ngày 15/2/2019, hãng Phú Quốc Express đã đưa vào khai thác tàu cao tốc Côn Đảo Express tuyến Vũng Tàu – Côn Đảo với thời gian khoảng 3 giờ 15 phút.

Năm 2019, dự kiến sẽ có tàu tuyến Thành phố Hồ Chí Minh – Côn Đảo với thời gian khoảng 5 giờ.

Vào tháng 7 năm 2017, hãng tàu Supperdong thực hiện chuyến tàu thương mại đầu tiên tuyến Sóc Trăng – Côn Đảo.

Vào tháng 3 năm 2019, có tuyến tàu cao tốc từ Thành phố Cần Thơ – Côn Đảo.

Cuộc sống người dân đảo phụ thuộc nhiều vào những chuyến tàu, nhất là trong những ngày gió bão tàu không chạy được. Hàng hóa không ra được đảo sẽ có thể khiến Côn Đảo rơi vào tình trạng thiếu lương thực và mọi sinh hoạt đều bị ảnh hưởng.

Trên hòn Bảy Cạnh có ngọn hải đăng lâu đời được dựng bằng công sức lao động khổ sai của các tù nhân. Lịch sử kể lại rằng vào ngày 27 tháng 8 năm 1883, Pháp cho dời hải đăng dựng tạm ở ngọn đồi phía bắc thung lũng Cỏ Ống (đảo Côn Sơn) về mỏm núi ở phía đông hòn Bảy Cạnh với độ cao và tầm chiếu sáng ưu thế hơn. Hải đăng có chiều cao tâm sáng 212 m; ánh sáng trắng, chớp nhóm 2, chu kì 10 giây. Tầm hiệu lực ban ngày là 35 hải lý còn ban đêm là 26,7 hải lý.

Đường hàng không
Tổng quan về huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Cảng hàng không Côn Đảo. Ảnh sưu tầm

Năm 2011, đánh dấu sự phát triển của đường bay Côn Đảo khi hãng không Air Mekong thông báo mở đường bay từ thành phố Hồ Chí Minh đi Côn Đảo. VASCO cũng mở thêm đường bay từ Cần Thơ đi Côn Đảo và tăng thêm một chuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Côn Đảo lên thành 4 chuyến/ngày. Từ ngày 6 tháng 9 năm 2011, Air Mekong đã mở thêm tuyến bay Côn Đảo – Hà Nội với tần suất 3 chuyến/tuần. Vietnam Airline cũng khai thác đường bay từ thành phố Hồ Chí Minh đến Côn Đảo với tuần suất 4 chuyến/ngày.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, công ty dịch vụ Hàng không Vasco cũng vận chuyển được 148.736 lượt khách đến với Côn Đảo, tăng 25,58% so với cùng kỳ năm 2016, tần suất vận chuyển trong mùa cao điểm (từ tháng 2 đến hết tháng 8 dương lịch) lên tới 10 – 12 chuyến/ngày. Việc tăng tần suất vận chuyển đưa đón du khách như trên đã cho thấy sức hút du lịch của huyện đảo này.

Tình hình kinh tế – xã hội huyện Côn Đảo

Kinh tế huyện Côn Đảo

Tính đến năm 2010, ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất (71,63%) trong cơ cấu kinh tế của huyện, kế đó là công nghiệp (20,20%) và cuối cùng là nông nghiệp (8,27%). GDP bình quân đầu người là 965 USD. Hàng năm ngành dịch vụ tăng trưởng với nhịp độ khoảng 33,7%; số khách du lịch đến Côn Đảo đạt khoảng 200.000 đến 250.000 người/năm.

Huyện Côn Đảo có tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch, khai thác chế biến hải sản, phát triển cảng biển, dịch vụ dầu khí và hàng hải. Bờ biển dài 200km, có nhiều bãi tắm đẹp tuyệt vời như bãi Đất Dốc, Bãi Cạnh, bãi Đầm Trầu, bãi Hòn Cau, bãi Hòn Tre… Thêm vào đó là vườn Quốc gia Côn Đảo diện tích gần 6.000ha trên đất liền và 14.000ha mặt biển với nhiều loại cây và thú quý hiếm. Nói đến Côn Đảo, ai cũng biết nơi đây có hệ thống nhà tù khủng khiếp của Pháp, Mỹ với nhiều trại giam lớn như: trại Phú hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Bình, chuồng cọp, chuồng bò cùng khu nhà Chúa Đảo và khu nghĩa trang Hàng Dương nơi chôn cất 20.000 tù nhân chủ yếu là các chiến sĩ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến.

Tổng quan về huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Một trong những cảnh quan du lịch tại Côn Đảo-BRVT

Tính đến thời điểm năm 2019, Giám đốc Ban Quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo cho biết, các cơ sở lưu trú du lịch trên toàn huyện Côn Đảo đã đón 393.770 lượt khách du lịch, tăng 31% kế hoạch. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 1.555 tỷ đồng, tăng 12% kế hoạch.

Xã hội

Trong năm 2020, huyện Côn Đảo sẽ giải quyết việc làm cho 340 lao động, trong đó tạo việc làm mới cho 180 lao động. Bố trí vốn sửa chữa, nâng cấp Trung tâm Y tế quân dân y Côn Đảo. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý rác thải cũng được quan tâm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Thông tin quy hoạch huyện Côn Đảo

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu tại Văn bản số 10968/VPCP-CN ngày 12/11/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2030. Bộ Xây dựng cùng Cục Hàng không Việt Nam và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kính báo cáo Thủ tướng Chính, các nội dung như sau:

Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không. Theo đó, Cảng hàng không Côn Đảo là cảng hàng không nội địa với quy mô sử dụng đất dự kiến là 141 ha, được định hướng đến năm 2020 là cảng hàng không cấp 3C đạt 0,5 triệu hành khách/năm và giai đoạn đến năm 2030 là cảng hàng không cấp 4C đạt 2 triệu hành khách/năm.

Tổng quan về huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Huyện Côn Đảo đến năm 2030

Quy hoạch cũng xác định việc chú trọng thu hút các nhà đầu tư quốc tế có đủ năng lực, kinh nghiệm để đầu tư phát triển các dự án du lịch lớn, xứng tầm quốc tế để phát triển Côn Đảo thành khu du lịch quốc gia, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, do thiếu sự đồng bộ trong quản lý, cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch yếu kém, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn chưa đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng cao trong nước và quốc tế cho nên du lịch Côn Đảo phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của nó.

×
Gọi lại cho tôi
[hubspot type=form portal=8023663 id=ed4a3718-35f5-43f3-bc36-4b5d5c2eee5e]
Liên hệ Tư vấn & Bảng giá
Hayhomes
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0