Đại tướng Tô Lâm: Không ai được giữ căn cước của người dân

Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói nhiều cơ quan, khách sạn thường giữ chứng minh thư hoặc căn cước công dân của khách, nhưng theo quy định thì không ai có quyền này.

Thảo luận tổ ở Quốc hội về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) sáng 10/5, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định căn cước là vật bất ly thân của người dân, không ai có quyền giữ, trừ trường hợp vi phạm pháp luật bị cơ quan có thẩm quyền giữ để phục vụ điều tra.

Người dân chỉ cần xuất trình căn cước công dân để các cơ quan, khách sạn ghi chép thông tin về họ tên, số định danh. Khi cần thiết, các đơn vị sẽ đối chiếu với thông tin này. “Người dân vào khách sạn mà bị giữ thẻ căn cước công dân, bị sử dụng để rút tiền lúc họ vắng mặt thì làm thế nào?”, Bộ trưởng Công an đặt vấn đề.

Đại tướng Tô Lâm khẳng định thẻ căn cước công dân không có chức năng hỗ trợ theo dõi, định vị, bởi trên thẻ không có sóng, tín hiệu.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Hoàng Phong

Đề xuất đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật căn cước

Theo Bộ trưởng, thẻ căn cước không phải là giấy chứng nhận công dân. Căn cước nhằm xác định thông tin cơ bản như anh là ai, tên tuổi, nguồn gốc; dùng để thực hiện giao dịch, thủ tục hành chính. Có những người bị tước quyền công dân nhưng vẫn cần có căn cước để phục vụ việc sở hữu tài sản của họ. Vì vậy, cách gọi căn cước công dân không chính xác.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết kinh phí xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 3.000 tỷ đồng. Sắp tới, các cơ quan không cần tổng điều tra dân số, tiết kiệm cho ngân sách 1.500 tỷ đồng. Dữ liệu cũng kết nối với các ngành khác (bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, văn bằng chứng chỉ), phục vụ người dân trong nhiều thủ tục hành chính, “tiết kiệm hàng trăm nghìn tỷ đồng”.

Cầm một thẻ căn cước công dân trên tay, Bộ trưởng Tô Lâm nói thẻ đã ứng dụng công nghệ mới, tiến bộ hơn nhiều nước. Mã số trên thẻ có thể dùng để đi máy bay cả trong nước và quốc tế. Thời gian tới, khi các nước ASEAN đàm phán xong, người dân có thể dùng căn cước công dân thay hộ chiếu đi các nước Đông Nam Á.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, giám đốc Công an TP Hà Nội. Ảnh: Media Quốc hội

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội. Ảnh: Media Quốc hội

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội, cho rằng với tên gọi Luật Căn cước, phạm vi điều chỉnh sẽ được mở rộng, ngoài công dân Việt Nam là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Dự luật cũng bổ sung quy định cấp căn cước cho nhóm người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống ở trong nước.

Ông lấy ví dụ, ở phía Nam, nhiều bà con Khmer từ Campuchia về không có giấy tờ, cơ quan chức năng đã thu thập cơ sở dữ liệu về nhóm cư dân này. Do vậy, Luật cần phải quy định để đảm bảo chính danh, bảo đảm tốt hơn quyền con người, phục vụ quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.

Về quy định cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi, trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết dự thảo Luật mới khuyến khích chứ chưa bắt buộc. Thực tế, trẻ em cũng có rất nhiều hoạt động đòi hỏi phải có giấy tờ chứng thực, xác thực, từ đi học, đi khám bệnh, di chuyển bằng phương tiện công cộng. Giấy khai sinh hiện nay không có nhận diện, không có ảnh, không có sinh trắc; lại dễ bị hỏng, rách nát. Vì thế, thẻ căn cước sẽ khắc phục được các hạn chế trên và đáp ứng được tiêu chí dễ dùng, dễ sử dụng, dễ bảo quản.

Đại biểu Vương Thị Hương. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Vương Thị Hương. Ảnh: Media Quốc hội

Tại tổ Hà Giang, đại biểu Vương Thị Hương nói thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có quy định về nhóm máu nhưng thực tế không phải ai cũng biết về nhóm máu của mình, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Vì vậy, nếu quy định thông tin nhóm máu là bắt buộc, sẽ khiến người dân tốn thời gian, chi phí xét nghiệm và không phải ai cũng có điều kiện thực hiện.

Vì vậy, nữ đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật Căn cước công dân hiện hành là thông tin về nhóm máu sẽ được cập nhật khi công dân yêu cầu và xuất trình kết luận xét nghiệm xác định nhóm máu. Hoặc ban soạn thảo cần quy định lộ trình cập nhật thông tin về nhóm máu đảm bảo khả thi.

Bà cũng cho rằng nên quy định linh hoạt với thông tin sinh trắc học ADN theo hướng tùy theo nhu cầu của công dân thay vì bắt buộc. Hơn nữa, việc này cần có lộ trình bởi chi phí làm xét nghiệm ADN tương đối lớn, không phải người dân nào cũng đủ điều kiện.

Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 22/6.

Nguồn : vnexpress.net

×
Gọi lại cho tôi
[hubspot type=form portal=8023663 id=ed4a3718-35f5-43f3-bc36-4b5d5c2eee5e]
Liên hệ Tư vấn & Bảng giá
Hayhomes
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0