Hành trình khởi nghiệp của tỷ phú thất học giàu nhất Trung Quốc?
Tống Khánh Hậu, sinh năm 1945,người từng đứng đầu các tỷ phú Trung Quốc về sự giàu có đi lên đỉnh cao từ gánh hàng nước giải khát bán cho học sinh. Ông là người sáng lập Tập đoàn Hàng Châu Wahaha – công ty nước giải khát hàng đầu Trung Quốc.
Vì gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp cấp hai, Tống Khánh Hậu phải nghỉ học và lăn lộn kiếm sống trên các nông trường chè miền núi. Ông trở lại quê vào năm 1979, song do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên lại phải phiêu dạt tới Hàng Châu để tìm việc. Nhưng ông chỉ kiếm được các công việc lặt vặt ở một trường học địa phương. Với trình độ học vấn thấp, Tống chỉ có thể tìm được công việc quét dọn tại một trường học ở thành phố này.
“Tôi leo lên từ đáy xã hội”, ông Tống Khánh Hậu nói về con đường làm giàu của mình. Sau năm 1976, khi ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu cải cách kinh tế Trung Quốc, ông Tống Khánh Hậu bắt đầu đi bán hàng cho các công ty cung cấp những mặt hàng thiếu hụt thời đó như thịt, xe đạp và ti vi. Một trong những việc ông Tống Khánh Hậu từng làm là bán hàng cho một công ty nước giải khát. Ông bán cho các học sinh cấp 2 tại một trường ở Hàng Châu.
Hành trình khởi nghiệp của tỷ phú: Ông khởi nghiệp chậm, mãi đến năm 1987, lúc đó ông 42 tuổi, mới cùng với 2 giáo viên về hưu vay 140.000 nhân dân tệ (khoảng 400 triệu đồng lúc bấy giờ) để lập Công ty Wahaha Hàng Châu sản xuất, phân phối sữa và sau đó là các loại nước giải khát có gas, thực phẩm dinh dưỡng và sữa bột dành cho trẻ em. Ông bắt đầu con đường kinh doanh riêng khi mở một cửa hàng cung cấp nước giải khát. Ông Tống mất hai thập kỷ khẳng định vị trí của mình tại các vùng nông thôn, nơi thu nhập người dân tăng dần lên và sự cạnh tranh bớt khốc liệt hơn ở thành phố.
Ông Tống cho biết thời điểm ông gặp khó khăn nhiều nhất là năm 1989, khi ông thuyết phục 2.000 công nhân trong một công ty nước giải khát do nhà nước sở hữu ra làm riêng. “Mọi người phản đối tôi, dù trước đó tôi được nhà nước chỉ định làm người đứng đầu công ty đang làm ăn thất bại. Họ nói tôi là người theo chủ nghĩa tư bản, một định nghĩa rất xấu thời bấy giờ”. Sau khi thuyết phục được mọi người cùng mình mở công ty riêng, công việc làm ăn phát đạt hơn. “Các tranh cãi biến mất bởi kết quả kinh doanh tốt, đó là điều khiến các lời phàn nàn im bặt”, ông Tống kể. Việc kinh doanh của ông ngày càng phát đạt trong thời kỳ kinh tế Trung Quốc tăng trưởng phi mã với tốc độ GDP mở rộng trên 10% mỗi năm.
Về định hướng tương lai, Tống nói ông sẽ để con gái Kelly kế thừa tập đoàn khi ông nghỉ hưu. Câu nói mà ông Tống thấy tâm đắc nhất là của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình: “Những người đã giàu nên giúp những người khác trở nên giàu có”. Tống nói ông mong muốn thực hiện điều này với những người dân của mình.
Tháng 11/1988, Wahaha giới thiệu sản phẩm nước uống dinh dưỡng đầu tiên của Trung Quốc dành cho trẻ em. Khẩu hiệu “Uống Wahaha, thưởng thức vị ngon” trở nên phổ biến trên khắp đất nước. Wahaha kiếm được 4,88 triệu NDT doanh thu bán hàng trong năm đầu tiên sau khi sản phẩm này được tung ra thị trường. Con số này đã tăng lên 27,12 triệu NDT trong năm thứ hai và vượt quá 100 triệu NDT trong năm thứ ba.
Vào tháng 4/1989, nhà máy thực phẩm dinh dưỡng trẻ em ở Hàng Châu đã được đặt tên mới là nhà máy thực phẩm dinh dưỡng Wahaha Hàng Châu, đánh dấu sự khởi đầu của công ty trên thị trường nước giải khát Trung Quốc. Wahaha có thêm sức mạnh nhờ sự phối hợp với nhà máy thực phẩm dinh dưỡng trẻ em Hàng Châu.
“Thực ra, nhiều công ty khác đã sản xuất nước giải khát dinh dưỡng khi Wahaha bước chân vào lĩnh vực này. Nhưng tôi nhận ra, không ai trong số họ sản xuất nước uống dinh dưỡng dành cho trẻ em. Và đó là lý do đưa đến sự thành công của chúng tôi”, Tống Khánh Hậu nói.
Kể từ những năm 1990, tỉnh Triết Giang đã khuyến khích sự phát triển của kinh tế phi nhà nước. Trong môi trường năng động đó, Wahaha nhận ra một cơ hội khác để phát triển. Năm 1991, với sự trợ giúp của chính quyền thành phố Hàng Châu, nhà máy dinh dưỡng Wahaha đã có 100 nhân viên cùng với tài khoản tiền gửi lên đến 60 triệu NDT, đã mua lại nhà máy thực phẩm đóng hộp Hàng Châu với giá 80 triệu NDT. Vào thời điểm đó, nhà máy thực phẩm đóng hộp Hàng Châu có hơn 2.000 nhân viên và khu vực nhà xưởng rộng 60.000 m2, nhưng tổng tài sản này vẫn thấp hơn số nợ phải trả của nhà máy.
Tập đoàn Wahaha Hàng Châu chính thức được thành lập. Với lợi thế về sản phẩm, nguồn vốn và mức độ thâm nhập thị trường, chỉ trong 3 tháng, tập đoàn này đã giúp cho phần sản xuất của nhà máy thực phẩm đóng hộp Hàng Châu sinh lợi. Năm sau đó, doanh thu bán hàng và lợi nhuận trước thuế của Wahaha đã tăng khoảng 100%.
Năm 1998, Wahaha cho ra mắt sản phẩm Future Cola để cạnh tranh trực tiếp với Coke và Pepsi. Với giá thấp và chính sách phân phối ưu đãi, Wahaha đã bán đựơc 620.000 tấn Future Cola năm 2002, chiếm 12% thị phần nước giải khát có ga. Mức thị phần này gần với thị phần của Pepsi ở Trung Quốc. Trong khi Coke và Pepsi đã chiếm lĩnh thị trường thành phố của Trung Quốc, thì Future Cola lại chi phối thị trường nông thôn của nước này.
Ngày nay, Wahaha được xếp vào danh sách 500 doanh nghiệp công nghiệp hàng đầu Trung Quốc xét về lợi nhuận trước thuế. “Tôi là một người bình thường, sống trong một giai đoạn chuyển đổi của đất nước và nền kinh tế”,Tông nói. Giấc mơ bán sản phẩm cho 1,3 tỷ người Trung Quốc của Tông Khánh Hậu đã được hiện thực hóa. Trung bình, mỗi người Trung Quốc đã mua khoảng 10 chai Wahaha. Công ty này đã kiếm được 10 tỷ NDT (1,46 tỷ USD) năm 2003. Nhờ đó, Wahaha đã trở thành công ty sản xuất nước giải khát lớn thứ tư đứng sau 3 người khổng lồ là Coca Cola, Pepsi và Cadbury. Mặc dù không được học hành bài bản, bù lại Tông Khánh Hậu lại sở hữu bản năng kinh doanh nhạy bén.
Ông đã nghĩ rằng sử dụng vốn quốc tế là việc làm có thể là cách tốt nhất để xây dựng một doanh nghiệp tầm cỡ thế giới. Vì vậy, Tông đã bán 51% cổ phần của 5 nhà máy có khả năng sinh lợi nhất cho tập đoàn nước giải khát Danone của Pháp và Công ty BNP Paribas Peregrine. Sau khi bán cổ phần, Tông Khánh Hậu vẫn tiếp tục nắm giữ vị trí lãnh đạo của liên doanh này. Ông vẫn giữ thương hiệu này, tên của chủ tịch tập đoàn, và đảm bảo rằng mức lương hưu của các cựu nhân viên và vị trí của các nhân viên hơn 45 tuổi vẫn giữ như cũ.
Năm 2006, Tống Khánh Hậu được xếp thứ 23 trong danh sách những người giàu có nhất Trung Quốc và thứ 840 trong danh sách những người giàu có nhất thế giới do Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn với tổng tài sản ước tính lên đến 1 tỷ USD. 4 năm sau, ngày 11/3 vừa qua, Tạp chí Forbes vừa công bố, Tống Khánh Hậu – Tổng giám đốc tập đoàn Wahaha Hàng Châu – là người giàu nhất Trung Quốc lục địa. Với giá trị tổng tài sản lên đến 7 tỷ USD, Tông Khánh Hậu cũng được xếp vị thứ 103 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Năm 2011, Wahaha đã có doanh thu 11 tỷ USD, chiếm thị phần thứ 3 về đồ uống tại Trung Quốc, đứng sau Coca-Cola và thương hiệu Tingyi của Hong Kong. Nhờ vậy, năm 2012, Tông Khánh Hậu đã trở thành một tỷ phú thành đạt, là ông trùm ngành nước giải khát và cũng là người giàu nhất tại Trung Quốc đại lục ở độ tuổi 67. Vào thời điểm ấy, tài sản của ông được Bloomberg định giá ở 20,1 tỷ USD, giàu thứ 30 thế giới.Năm 2013, ông được vinh danh “Doanh nhân tư nhân có đóng góp xuất sắc cho nền công nghiệp quốc gia”.
Để đạt được kết quả như vậy, không thể không nói đến sự tận tụy của ông Tống Khánh Hậu để hoàn thành trách nhiệm ngay từ ngày đầu khởi nghiệp. Tinh thần cống hiến hết mình cho công việc của ông đã trở thành một huyền thoại. Tuy có quy mô lên tới khoảng 30.000 nhân viên nhưng ông Tống Khánh Hậu vẫn đích thân xem xét từng khoản chi phí định kỳ, bao gồm cả những lợi ích xung quanh việc áp dụng chính sách mới, thay đổi lề thói cũ, giúp hạn chế được việc lãng phí, quét sạch thói tham ô, lạm dụng chức quyền trong tập đoàn.
Hiện tại, trong phòng trưng bày của Tập đoàn Wahaha vẫn để một lá thư đã ố vàng, đó là lá thư bổ nhiệm, được ký ngày 6/4/1987. Năm đó, Tống Khánh Hậu trở thành trưởng phòng kinh doanh của Phòng giáo dục huyện Thượng Thành, thành phố Hàng Châu. Vào thời điểm ông Tống đựơc bổ nhiệm vào vị trí nghe rất “oai” này, phòng kinh doanh đang ở trong tình trạng nợ nần và đang có nguy cơ bị giải tán. Trong khi đó, “sếp” của ông đặt mục tiêu cho trưởng phòng kinh doanh là phải đạt lợi nhuận không thấp hơn 40.000 NDT trong năm đầu tiên.
Hành trình khởi nghiệp của tỷ phú giàu nhất Trung Quốc khác với đa số tỷ phú Trung Quốc khác, và vị Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tập đoàn Hàng Châu Wahaha, công ty nước giải khát hàng đầu tại Trung Quốc có lối sống rất tiết kiệm.
Chủ tịch Tống của Wahaha thường ngủ ở tầng 6 trụ sở tập đoàn tại Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Một ngày làm việc của ông bắt đầu từ 7 giờ sáng. Ông Tống ăn sáng ở công ty. Đến bữa trưa, ông Tống xuống căng tin như các nhân viên khác, ăn thức ăn giống mọi người. 23h là lúc ông Tống kết thúc công việc thường ngày.
“Khi bạn nghèo, bạn phải nghĩ mọi cách để cuộc sống tốt đẹp hơn. Trải nghiệm đó giúp tôi chịu đựng mọi thứ”, ông Tống nói, nhắc lại thời ông đứng bán thuốc lá bên ngoài trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh.
“Tôi không có sở thích nào đặc biệt ngoài hút thuốc lá và uống trà”, ông Tống nói trong một lần trả lời phỏng vấn BBC.
Trong một lần đi công tác, Tống chỉ bỏ ra 19,5 tệ (khoảng 65 nghìn đồng) để mua đồ lót và cho rằng chất lượng rất tốt là được rồi. Tống không có quần áo hàng hiệu. “Cả ngày chạy ở bên ngoài, khoác jacket là thoải mái nhất”, ông nói. Trừ những trường hợp đặc biệt ra, tỷ phú luôn chỉ thích khoác một chiếc áo khoác màu tối và đi giày da trơn, do Trung Quốc sản xuất. Ông chỉ mua giày mới khi đôi đang đi đã cũ. Thứ xa xỉ nhất trên người ông là chiếc đồng hồ Vacheron Constantin giá 48.000 đô la, ông mua để thay chiếc Rolex cũ.
Tống thường trả lời mọi người rằng ông không biết tiêu tiền và cũng không có thời gian để tiêu tiền. “Lúc nhỏ, gia đình tôi ăn bữa này thì mất bữa khác. Sau này lúc mới kinh doanh, tôi cũng nếm không ít khổ cực. Tiền đều là do bản thân vất vả kiếm ra được, nhưng quả thực, tôi không phải là người biết hưởng thụ”, Tống trả lời phóng viên Yuedu.